Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Cập nhật lúc: 05/03/2019

Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2018 trên địa bàn huyện Ea H’Leo

    Nhận thức được vai trò quan trọng cũng như ý nghĩa sâu sắc của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong xây dựng và thi hành pháp luật, năm 2018, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát của Huyện ủy, UBND huyện và Sở Tư pháp, công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật trên địa bàn huyện được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện đạt được kết quả thiết thực với nội dung, hình thức ngày càng đa dạng, phong phú. Qua thống kê, tổng hợp công tác giáo dục phổ biến pháp luật năm 2018 cho thấy, toàn huyện đã tổ chức được 1.570 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp với 227.498 lượt người tham dự; in ấn cấp phát miễn phí 19.882 tài liệu tuyên truyền pháp luật; 712 lần phát sóng tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, trong đó UBND cấp xã đã tổ chức được 108 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp với 8.931 lượt người tham dự (tăng 88 cuộc và 7.017 lượt người so với năm 2017).

Ảnh: Tuyền truyền pháp luật tại cơ sở

        Đặc biệt, theo sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Tư pháp-cơ quan thường trực của hội đồng phối hợp giáo dục phổ biến pháp luật đã phối hợp với các đoàn thể, địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng đặc thù, nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng trọng điểm về vi phạm pháp luật, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, các hình thức giáo dục phổ biến pháp luật khác, như: thi tìm hiểu pháp luật, Ngày pháp luật, xét xử lưu động, lồng ghép trong các cuộc họp, sinh hoạt cơ quan, đoàn thể, chào cờ đầu tuần tại các trường học. . . được các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai thực hiện đạt được kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.

        Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc triển khai công tác giáo dục phổ biến pháp luật tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế đó là: địa bàn của huyện rộng, địa hình phức tạp, dân cư sống không tập trung, nhất là dân di cư tự do; kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin một số nơi chưa được đầu tư, hoàn thiện; đời sống kinh tế của một bộ phần dân cư còn khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện dành cho công tác này còn rất hạn hẹp, nhất là ở các đoàn thể và cấp cơ sở, dẫn đến hiệu quả giáo dục pháp luật chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu tăng cường hiệu lực pháp luật trong đời sống xã hội. Chế độ thù lao đối với những người làm công tác giáo dục phổ biến pháp luật còn thấp, chưa tương xứng, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ cho người thực hiện nhiệm vụ giáo dục phổ biến pháp luật. Một số hình thức tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật chưa thực sự phát huy hiệu quả, chưa xây dựng được mô hình "điểm sáng" trong công tác giáo dục phổ biến pháp luật, như hoạt động của các câu bộ pháp luật chưa phát huy hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn huyện, hầu hết các xã, thị trấn đều có thành lập các câu lạc bộ pháp luật theo hướng dẫn của đoàn thể cấp trên; tuy nhiên, qua theo dõi được biết tình hình sinh hoạt hầu hết của các câu lạc bộ không được duy trì đều đặn, thiếu các giải pháp hỗ trợ để duy trì tính bền vững; nội dung, hình thức sinh hoạt pháp luật còn đơn điệu, còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, kiến thức pháp luật, kỹ năng sư phạm, kỹ năng truyền đạt của một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế nên ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả giáo dục pháp luật.

        Trước những khó khăn trên, huyện luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là Ngành Tư pháp không thỏa mãn, chủ quan với những kết quả đã đạt được, đồng thời phải thấy được những thách thức, khó khăn của công tác giáo dục phổ biến pháp luật đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả và đồng bộ các giải pháp trong công tác giáo dục phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân. Trong đó, tập trung một số giải pháp sau:

        Một là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị đối với công tác giáo dục phổ biến pháp luật theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; phải coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục phổ biến pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật; phải đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt để mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân phải hiểu rõ việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của chính mình.

        Hai là, tiếp tục triển khai thi hành nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phổ biến Giáo dục pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; tranh thủ tối đa sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND tỉnh và Sở Tư pháp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Luật giáo dục phổ biến pháp luật; chú trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục phổ biến pháp luật nhằm kịp thời có biện pháp chỉ đạo khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác giáo dục phổ biến pháp luật.

        Ba là, thường xuyên chỉ đạo, thực hiện rà soát củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở bảo đảm bảo số lượng, chất lượng hoạt động theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác tập huấn kỹ năng nghiệm vụ, kiến thức pháp luật mới cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của đội ngũ này trong công tác giáo dục phổ biến pháp luật.

        Bốn là, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đảm bảo phù hợp với điều kiện của từng địa bàn, đối tượng; có biện pháp hỗ trợ để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các đối tượng theo các Đề án của Thủ tướng Chính phủ, nhất là đối tượng đặc thù, nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng trọng điểm về vi phạm pháp luật./.

         Nguồn: H' Uyên – Phòng Tư pháp.

In Gửi Email
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Thống kê hồ sơ
ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang